Việc đọc được kết quả xét nghiệm nội tiết tố sẽ giúp phụ nữ biết được các chỉ số nội tiết tố có ở mức bình thường hay không bình thường, sức khỏe sinh sản có ổn định hay không? Từ đó có hướng tham khảo, xin tư vấn từ bác sĩ phù hợp hơn. Mời chị em cùng chuyeneva.vn tìm hiểu một số loại xét nghiệm nội tiết tố nữ thường gặp dưới đây nhé.
Mục lục
Xét nghiệm nội tiết nữ: Ý nghĩa và hướng dẫn đọc kết quả
Xét nghiệm nội tiết tố là một xét nghiệm quan trọng thường được thực hiện nhằm đánh giá sức khỏe sinh sản nữ giới nói riêng và sức khỏe sinh sản ở con người nói chung. Tùy vào từng biểu hiện người bệnh khác nhau mà bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu làm các xét nghiệm nội tiết tố nữ khác nhau.
Trong bài viết này, chúng tôi xin cung cấp tới các độc giả ý nghĩa và cách đọc kết quả các chỉ số xét nghiệm nội tiết tố nữ dựa vào chỉ số nội tiết tố ở mức bình thường. Nếu kết quả xét nghiệm nội tiết tố cao hoặc thấp hơn chỉ số bình thường thì có khả năng chị em đang gặp tình trạng thừa hoặc thiếu nội tiết tố, vấn đề sức khỏe sinh sản hoặc các bệnh lý.
Một số xét nghiệm nội tiết nữ thường gặp
Hormone Es-tra-di-ol (E2)
Hormone Es-tra-di-ol (E2) là một phân loại hormone Estrogen mạnh nhất, có nồng độ cao nhất so với các loại estrogen khác trong cơ thể nữ giới.
E2 là hormone chịu trách nhiệm chính trong quá trình phát triển và hoàn thiện cơ thể nữ giới từ độ tuổi dậy thì chuyển qua thiếu nữ với những thay đổi hình thái bên ngoài như: vùng ngực và mông, đùi có xu hướng tích mỡ, phát triển nở nang hơn; tác động làm khung xương phát triển thanh mảnh hơn nam giới; giọng nói trong, thanh nhẹ hơn; da mịn màng, căng bóng hơn, xuất hiện lông ở vùng kín…

E2 cũng có nhiệm vụ phát triển, hoàn thiện và duy trì hệ thống sinh sản ở nữ giới như: kích thích buồng trứng phát triển hoàn thiện, hoàn thiện và duy trì độ dày ống dẫn trứng, lớp niêm mạc tử cung, cổ tử cung và độ dày âm đạo.
Ở nữ giới, hormone Es-tra-di-ol (E2) được sản sinh chủ yếu ở buồng trứng và tuyến thượng thận.
Chỉ số E2 ở nữ giới có khoảng trung bình thay đổi theo từng giai đoạn chu kỳ nguyệt san. Cụ thể như:
- Tại thời điểm pha nang noãn, chỉ số E2 bình thường trong khoảng: 46 – 407 pmol/l
- Thời điểm rụng trứng, chỉ số E2 bình thường trong khoảng: 315 – 1828 pmol/l
- Thời điểm pha hoàng thể, chỉ số E2 bình thường trong khoảng: 161 – 774 pmol/l
- Ở phụ nữ tiền mãn kinh, chỉ số E2 bình thường trong khoảng: 18.4 – 201 pmol/l.
Hormone Progestrogen
Progestrogen còn một tên gọi khác là “hormone thai kỳ” bởi nó có nồng độ cao nhất trong giai đoạn phụ nữ đang mang thai, đồng thời có nhiều vai trò trong quá trình hình thành và phát triển thai nhi. Khi nồng độ Progestrogen sụt giảm cũng đồng nghĩa với quá trình chuyển dạ và sinh em bé bắt đầu.
Trong thời gian đầu thai nhi mới hình thành và làm tổ, Progestrogen tác động làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể mẹ nhằm cho phép thai nhi dần được chấp nhận. Ngoài ra, nó cũng tác động ức chế quá trình tiết sữa trong thai kỳ. Chỉ khi sau sinh, nồng độ Progestrogen giảm đi thì tuyến vú mới bắt đầu hoạt động tiết sữa nuôi em bé.

Đối với phụ nữ không mang thai, Progestrogen được tiết ra nhiều ở thời điểm rụng trứng và trước chu kỳ kinh nguyệt. Khi trứng không được thụ tinh thành công, nồng độ Progestrogen sụt giảm mạnh, từ đó tác động làm hình thành chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
Ngoài ra, Progestrogen cũng góp phần hình thành và phát triển cơ thể nữ giới, tuy nhiên vai trò của nó không mạnh bằng Estrogen.
Chỉ số Progestrogen cũng thay đổi theo từng thời điểm, cụ thể:
- Trước khi rụng trứng chỉ số Progesterone bình thường nhỏ hơn 2 ng / mL
- Sau khi rụng trứng chỉ số Progesterone bình thường khoảng lớn hơn 5 ng / mL.
- Khi mang thai, nồng độ Progesterone có thể đạt khoảng 100 đến 200 ng / mL.
☛Chi tiết: Progestrogen và Estrogen có tác dụng gì?
Hormone FSH (Follicle Stimulating Hormone)
Hormone FSH có tên tiếng Anh là Follicle Stimulating Hormone, được hiểu là một hormone có tác dụng kích thích noãn bào tố phát triển. FSH được giải phóng từ thùy trước tuyến yên trong não.
Ở một phụ nữ trưởng thành thường nồng độ FSH trong máu khá cao. Nếu chỉ số FSH thấp hơn bình thường thì người phụ nữ dễ bị mắc hội chứng buồng trứng đa nang, gây bế kinh, mất kinh thậm chí có thể dẫn đến vô sinh.
Chỉ số FSH ở một phụ nữ bình thường sẽ thay đổi khác nhau tùy thuộc vào từng thời điểm. Cụ thể:
- Giai đoạn tạo nang buồng trứng: Chỉ số FSH trong khoảng 1,68 – 15 lU/L;
- Giữa chu kì kinh: Chỉ số FSH trong khoảng 21,9 – 56,6 lU/L;
- Giai đoạn tạo hoàng thể: Chỉ số FSH trong khoảng 0,61 – 16,3 lU/L;
- Sau giai đoạn mãn kinh: Chỉ số FSH trong khoảng 14,2 – 5,3 IU/L.
Hormone AMH (Anti-Mullerian Hormone)
Hormone AMH là viết tắt của Anti-Mullerian Hormone – một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt của nang noãn tiền hốc và nang noãn có hốc trong buồng trứng.
Chỉ số AMH cho biết lượng nang noãn non đang phát triển và quần thể nang trứng thủy nguyên hiện có trong buồng trứng của người phụ nữ. Dựa vào AMH có thể đánh giá khả năng dự trữ trứng và cung cấp trứng trong buồng trứng. Từ đó dự đoán được khả năng sinh sản của người phụ nữ trong hiện tại và tương lai.
Chỉ số AMH cao nhất ở tuổi 25 và giảm dần theo thời gian. Nếu nồng độ AMH trong máu thấp hơn 2ng/ml thì người phụ nữ có nguy cơ vô sinh cao hơn bình thường.
Một phụ nữ bình thường có chỉ số AMH trong khoảng từ 2 – 6,8 ng/ml.
Hormone Prolactin
Dựa vào chỉ số Prolactin, có thể đánh giá và phát hiện các vấn đề bất thường bất thường liên quan tới khả năng sinh sản ở nữ giới.

Cụ thể, Prolactin góp phần trong việc ức chế các hormone sinh sản như hormone kích thích nang FSH ; hormone bài tiết gonadotropin (GnRH) => nhằm cho phép trứng phát triển và kích thích sự rụng trứng, duy trì khả năng mang thai và sinh sản ở nữ giới.
Nếu Prolactin có hàm lượng cao hơn bình thường có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, vô kinh; hiếm muộn…
- Ở phụ nữ không mang thai, sức khỏe bình thường thì hàm lượng Prolactin trong máu khoảng: 2 – 29ng/ml.
- Ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, hàm lượng Prolactin trong máu khoảng: 10 – 209 ng/ml.
Hormone LH (Luteinizing Hormone)
Hormone LH hay còn có tên tiếng Anh là Luteinizing hormone, cũng là một hormone sinh dục đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chức năng buồng trứng, duy trì sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Cụ thể:
Hormone LH có nhiệm vụ kích thích buồng trứng sản sinh ra Es-tra-di-ol (E2). Khi nồng độ LH tăng cao ở giữa chu kỳ kinh nguyệt sẽ tác động gây quá trình rụng trứng.
Trường hợp thụ tinh xảy ra thành công, hormone LH sẽ kích thích hoàng thể sản sinh ra progestrogen để nuôi dưỡng và duy trì sự phát triển cho thai nhi.
Ở phụ nữ bình thường, chỉ số LH trong máu khoảng từ 2,4 – 12,6 mlU/mL.
Nếu chỉ số LH trong cơ thể nữ giới cao hoặc thấp hơn so với mức bình thường đều có thể gây vô sinh. Bởi:
- Chỉ số LH cao có thể tác động gây hội chứng buồng trứng đa nang.
- Chỉ số LH thấp gây khó khăn cho việc rụng trứng cũng như sự đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt.