Kinh nguyệt màu đen và đau bụng là một dạng bất thường của chu kỳ kinh nguyệt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh viêm nhiễm phụ khoa không thể coi thường. Vậy ra kinh nguyệt màu đen và đau bụng phải làm làm thế nào? Hãy cùng chuyeneva.vn đi tìm lời giải đáp nhé.
Mục lục
Hiện tượng ra kinh nguyệt màu đen và đau bụng
Một phụ nữ có sức khỏe sinh sản bình thường sẽ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hàng tháng. Kinh nguyệt (máu kinh) thường có màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, có thể xuất hiện máu cục nhưng không nhiều. Nó thực chất là lớp niêm mạc tử cung bị bong tróc (do trứng không được thụ tinh) hòa lẫn với dịch tiết cổ tử cung và máu tạo thành. Hỗn hợp này bị tử cung co bóp đẩy ra ngoài tạo thành chu kỳ kinh.
Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, ngoài thấy máu kinh, phụ nữ có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như: đau bụng kinh, đau lưng, mỏi bắp đùi, đau nhức cơ thể…
Ra kinh nguyệt màu đen và đau bụng không do bệnh lý
Máu kinh màu đen có thể không bình thường. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp kinh nguyệt màu đen đều là do bệnh lý.
Một số yếu tố bên ngoài tác động cũng có thể gây hiện tượng kinh nguyệt màu đen và đau bụng khi đến chu kỳ kinh như:
Do lượng máu kinh bị tắc ứ trong tử cung lâu, khó thoát ra ngoài khiến chúng có màu đen nâu: có nhiều trường hợp phụ nữ trong các ngày cuối chu kỳ kinh nguyệt – thời điểm lượng máu kinh và mức độ đau bụng đều giảm thì có hiện tượng máu kinh chuyển từ màu đỏ sang màu đen hoặc màu nâu sậm.
Do sức khỏe: Sức khỏe trong những “ngày ấy” cũng tác động đến màu máu kinh. Nếu để ý bạn sẽ thấy những tháng cơ thể bạn không khỏe, máu kinh có thể chuyển màu đỏ tía hoặc màu nâu, đen. Tình trạng này có thể kết thúc ngay trong tháng sau nếu sức khỏe bạn ổn định trở lại.

Do mới mang thai: Phụ nữ mới mang thai xuất hiện máu báo thai (màu nâu đen hoặc màu hồng nhạt) kèm theo cảm giác đau bụng. Khá nhiều phụ nữ do mang thai lần đầu không biết nên đã bị nhầm lẫn giữa cơn đau bụng kinh và đau bụng có thai.
Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần trong một tháng cũng có thể gây đau bụng và kinh nguyệt màu đen. Kèm theo đó chị em có thể bị rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh đến chậm hơn bình thường.
Một số tác dụng phụ của thuốc trị bệnh phụ khoa có thể làm máu kinh chuyển màu đen.
Thông thường các trường hợp kinh nguyệt màu đen và đau bụng không phải bệnh lý thường tự khỏi, không kèm theo các triệu chứng lạ khi đến kỳ nguyệt san, máu kinh có thể trở về màu đỏ khi sức khỏe ổn định hoặc ngừng dùng thuốc.
Kinh nguyệt màu đen và đau bụng cảnh báo bệnh gì?
Bên cạnh các yếu tố ngoài, ra kinh nguyệt màu đen và đau bụng còn có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo nhiều căn bệnh phụ khoa nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nói riêng cũng như sức khỏe phụ nữ nói chung.
Kinh nguyệt màu đen và đau bụng – Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi đã thụ tinh không về làm tổ trong buồng tử cung mà di chuyển đến làm tổ ở các vị trí khác: ở vòi tử cung (chiếm 95%), ở buồng trứng, ở cổ tử cung, ổ bụng…
Do khối thai làm tổ sai vị trí nên không thể bám chắc, dễ bị bong gây sảy thai và chảy máu đen. Các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung điển hình: có máu đen ở âm đạo bất thường, bị căng tức một bên bụng (vị trí thai làm tổ), đau bụng dưới và đau lưng…
Viêm âm đạo
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm làm cho khí hư tiết nhiều bất thường (bệnh huyết trắng), vùng âm hộ bị ngứa và có cảm giác đau.
Một số biểu hiện viêm âm đạo:
- Âm đạo tiết ra nhiều khi hư có mùi hôi khó chịu bất thường.
- Xuất huyết âm đạo: chảy máu sau khi quan hệ hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt.
- Âm đạo bị ngứa hoặc kích thích gây cảm giác khó chịu.
- Có cảm giác bị đau khi quan hệ hoặc đau buốt khi đi tiểu tiện
- …
Có đến hơn 90% phụ nữ bị viêm âm đạo ít nhất một lần trong đời. Đây là căn bệnh thường gặp, tuy nhiên mức độ nguy hiểm ít và có thể chữa trị dễ dàng, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung tình trạng người bệnh bị tổn thương lành tính ở cổ tử cung do các tế bào tuyến nằm trong cổ tử cung phát triển, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung. Từ đó khiến bên ngoài tử cung không được trơn láng mà nổi lên những lớp sần sùi. Lớp lộ tuyến cổ tử cung dễ bị vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và gây viêm nhiễm.
Người bệnh bị viêm lộ tuyến cổ tử cung thường bị đau và chảy máu khi quan hệ tình dục, ra khí hư, vùng bụng dưới đau tức bất thường, gặp các rối loạn tiểu tiện tiểu buốt, tiểu rắt… Bệnh phát triển theo 3 giai đoạn và ứng với mỗi giai đoạn thì các biểu hiện, triệu chứng của bệnh sẽ nặng hơn.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dễ biến chứng thành viêm cổ tử cung, khiến phụ nữ khó mang thai thậm chí vô sinh.
Viêm cổ tử cung
Đây là tình trạng cổ tử cung bị sưng, viêm thậm chí lở loét (trường hợp nặng) do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra.
Viêm cổ tử cung giai đoạn nhẹ thường không có triệu chứng nào khiến phụ nữ khó phát hiện. Bệnh nhân thường chỉ vô tình phát hiện bệnh khi thăm khám phụ khoa.
Viêm cổ tử cung có các biểu hiện khá giống với viêm âm đạo như:
- Chảy máu âm đạo bất thường khi quan hệ, khi
- Đến tháng kinh nguyệt có màu đen hoặc màu nâu đen kèm theo cảm giác đau bụng kinh,
- Ra nhiều khí hư có mùi hôi rất khó chịu.
- Khí hư có màu bất thường: màu vàng nhạt, màu nâu thậm chí kèm theo mủ.
- Ngứa âm hộ.
- Xuất hiện rối loạn tiểu tiện như khó tiểu, tiểu rắt, đau khi đi tiểu…
- …
Viêm cổ tử cung có thể điều trị được và điều trị dễ dàng ở giai đoạn nhẹ. Tuy nhiên nếu bệnh phát triển nặng có thể biến chứng thành các bệnh phụ khoa nguy hiểm khác như: viêm phần phụ, viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu…, làm phụ nữ khó mang thai, có thể gây sinh non, dọa sảy thai với phụ nữ đang mang thai, gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi…
Viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung là tình trạng buồng tử cung bị viêm nhiễm do các dụng cụ can thiệp vào buồng tử cung không đảm bảo vô trùng, do lòng tử cung bị tác động và tổn thương.
Viêm nội mạc tử cung thường liên quan đến các thủ thuật: nạo hút thai, nạo sinh thiết, đặt vòng, lấy vòng… hoặc xảy ra ở phụ nữ sau sinh, sau mổ lấy thai nếu có sót nhau hoặc ứ dịch long tử cung kéo dài…
Ngoài gây chảy máu âm đạo bất thường máu có màu đen, viêm nội mạc tử cung còn có các triệu chứng khác như: đau ở vùng chậu, đau bụng dưới hoặc đau vùng trực tràng, dịch tiết âm đạo bất thường, bụng to và có cảm giác chướng, táo bón, có thể bị sốt…
Viêm nội mạc tử cung có thể gây những biến chứng nguy hiểm: vô sinh, nhiễm trùng vùng chậu, nhiễm trung máu (thậm chí gây sốc nhiễm trùng), gây mủ hoặc áp-xe trong tử cung hoặc vùng chậu…
U xơ tử cung
Là khối u lành tính hình thành và phát triển trong tử cung. Khối u xơ lành tính này tác động làm niêm mạc tử cung bong không đều khi đến kỳ kinh nguyệt. Từ đó gây chảy máu kéo dài và màu sắc kinh nguyệt bị thay đổi thành máu đen hoặc nâu đen.
U xơ tử cung gây cản trở quá trình thụ thai, gây vô sinh hoặc có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi đang trong bụng mẹ.
Lạc nội mạc tử cung
Là căn bệnh xảy ra khi các mô bên trong tử cung có xu hướng phát triển “lạc” ra bên ngoài tử cung.
Lạc nội mạc tử cung có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt đến sớm hoặc trễ, mức độ đau bụng kinh dữ dội bất thường khi đến tháng, máu kinh chuyển màu đen, xuất hiện tình trạng tắc kinh hoặc rong kinh… Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây vô sinh đến gần 50%.
Nên làm gì khi có kinh nguyệt màu đen và đau bụng?
Thăm khám phụ khoa là điều cần thiết và nên làm sớm nếu chị em bị ra kinh nguyệt có màu đen trong thời gian dài không tự hết.
Bởi có thể coi đây là một hiện tượng bất thường của chu kỳ kinh nguyệt, một dấu hiệu cảnh báo về bệnh phụ khoa, bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Vì vậy việc tìm nguyên nhân gây bệnh cần phải làm đầu tiên, để từ đó có những hướng điều trị sớm và kịp thời.
Điều trị bằng thuốc là phương pháp thường được áp dụng nhiều với các bệnh phụ khoa như: viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm âm đạo, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung… nhằm điều trị lành các tổn thương, vết viêm sưng…
Với trường hợp bệnh nặng như kích thước khối u xơ tử cung quá lớn; các tế bào lạc nội mạc tử cung phát triển mạnh; viêm cổ tử cung nặng… thì bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc với việc áp dụng phương pháp điều trị ngoại khoa như: mổ cắt bỏ khối u xơ, cắt bỏ tế bào phát triển lạc bên ngoài tử cung, cắt bỏ nội mạc tử cung… nhằm hạn chế xuất huyết âm đạo, đưa máu kinh trở về màu bình thường, điều trị bệnh cũng như hạn chế tối đa tỉ lệ vô sinh ở phụ nữ.
Tuy nhiên bên cạnh các trường hợp mắc bệnh lý thì cũng có nhiều bệnh nhân đã thăm khám và cho kết quả bình thường (do các yếu tố không phải bệnh lý). Người bệnh chỉ cần làm theo lời khuyên của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý nhờ đó cải thiện máu kinh.